Kì bí nghệ thuật ướp xác của người Ai Cập cổ đại

Đất nước Ai Cập nổi tiếng thế giới sở hữu đỉnh cao nghệ thuật ướp xác. Người Ai Cập được mệnh danh là chuyên gia về xác ướp. Sau 3000 năm, du khách vẫn còn cơ hội được chiêm ngưỡng công trình của những người Ai Cập cổ đại nếu một lần du lịch Ai Cập, cùng khám phá những câu chuyện đầy màu sắc huyển bí về nghệ thuật ướp xác của họ nhé.

 

Niềm tin của người Ai Cập gửi gắm trong những xác ướp

Bên trong tục ướp xác của người Ai Cập ẩn chứa niềm tin, quan niệm của họ về sự sống và cái chết. Người Ai Cập cổ đại tin vào sự tồn tại của “thế giới bên kia”. Theo quan niệm của người Ai Cập cổ đại, sau khi chết, thể xác vẫn là “nhà” cho các linh hồn khi họ sang thế giới bên kia. Thi thể bị phân hủy đồng nghĩa với việc linh hồn sẽ bị hủy hoại. Vì vậy, việc bảo tồn thể xác bằng việc ướp xác giống như lúc còn sống là nhằm đảm bảo giữ lấy linh hồn.

Các bậc đế vương Ai Cập thời xưa tin rằng thuật ướp xác sẽ đưa họ đến sự vĩnh hằng ở thế giới của các thần linh sau khi chết. Các xác ướp của các pharaoh được thực hiện theo một quy trình cực kì cẩn thận và nghiêm ngặt.



Bí ẩn quy trình ướp xác ở Ai Cập cổ đại

Người dân thường ở Ai Cập cũng được ướp xác sau khi chết, không chỉ riêng các pharaoh. Tuy nhiên, quy trình ướp xác người thường không tỉ mỉ và hoàn hảo như quy trình dành cho các pharaoh, những vị vua tối  cao của  Ai Cập cổ đại. Quá trình ướp xác mất 70 ngày, được thực hiện bởi các linh mục có kiến thức về cơ thể người.

Quy trình ướp xác gồm nhiều bước tỉ mỉ và phức tạp. Đầu tiên, thi thể sẽ được những người ướp xác đưa đến túp lều được gọi là “Ibu” hay là “nơi thanh lọc”. Tại đây, thi thể sẽ được gột rửa sạch sẽ bằng rượu cọ và nước sông Nile. Nội tạng của thi thể sẽ được lấy ra từ một đường rạch bên sườn trái. Người Ai Cập cổ đại lấy hết nội tạng bên trong cơ thể người chết ra và chỉ để lại duy nhất tim. Điều này được giải thích rằng, người Ai Cập cổ đại quan niệm tim là hiện thân của trí tuệ và người chết sẽ cần nó khi đi sang thế giới bên kia. Sau đó, các thợ ướp xác sẽ bao phủ muối natron và nhồi muối này vào ổ bụng của xác chết để hút ẩm và giữ nguyên hình dạng thi thể. Sau thời gian 40 ngày, thi thể được rửa lại bằng nước sông Nile một lần nữa trước khi tiến hành các thủ tục ướp xác tiếp theo.



 

Các thợ ướp xác sẽ bôi dầu đặc biệt lên xác để giúp da đàn hồi. Nội tạng được đặt trong 4 chiếc bình và chôn cùng người chết. Tiếp theo, thi thể sẽ được quấn kín bằng loại vải lanh mềm. Ngón chân và ngón tay thi thể được quấn riêng. Giữa các lớp quấn quanh thân có bùa hộ mệnh. Nhưng lá bùa này được tin rằng sẽ mang đến sự bình an cho người chết trên con đường sang thế giới bên kia. Trong quá trình ướp xác, một linh mục sẽ đọc thần chú. Những câu thần chú này sẽ giúp người chết xua đuổi tà ma hay các linh hồn quỷ dữ.  Tay và chân được buộc chặt với nhau. Giữa 2 cánh tay là một cuộn giấy cói ghi  lại những câu thần chú. Trong mỗi lớp vải, người ta bôi một thứ nhựa thông lỏng giúp chúng dính với nhau. Một tấm vải được quấn quanh chọn xác ướp. Các thợ ướp xác còn vẽ hình thần Osiris lên trên bề mặt. Cuối cùng, người ta dùng một tấm vải lớn nữa quấn quanh xác ướp. Xác ướp được đặt trong 2 quan tài, một quan tài nhỏ bên trong và một quan tài lớn bên ngoài.

Sau đó, đám tang được cử hành, người thân trong gia đình đưa tiễn người quá cố. Tiếp đó người Ai Cập cổ đại tiến hành thủ tục “mở miệng”, cho người chết ăn và uống lại. Hành lý, quần áo, các vật dụng có giá trị, thức ăn, đồ uống được chôn cùng quan tài trong mộ.

Việc chọn vị trí chôn cất của xác ướp tùy thuộc vào địa vị của từng người trong xã hội. Xác ướp của các Pharaoh được trịnh trọng đặt trong các kim tự tháp còn xác ướp dân thường (chỉ được tiến hành theo quy trình đơn giản) được bỏ vào hầm mộ sơ sài hoặc rìa của các ngôi mộ lớn.

 

Vì sao xác ướp tồn tại được hàng ngàn năm?

Trước khi xuất hiện các vương triều, người Ai Cập vẫn có những xác ướp được bảo quản rất tốt. Có thể nói, điều kiện tự nhiên với khí hậu khô ở Ai Cập rất thuận lợi cho việc ướp xác tự nhiên. Đây là một yếu tố góp phần tích cực giúp cho những xác ướp Ai Cập cổ đại có thể tồn tại hàng ngàn năm.

Một bí ẩn nữa được xem là mang tính quyết định đến sự tồn tại lâu dài của những xác ướp Ai Cập, đó là loại dầu tuyết tùng. Người Ai Cập cổ đại sử dụng để ướp xác, đó là một chất chiết xuất từ cây tuyết tùng có tên gọi là guaicol. Đây là kết quả nghiên cứu đáng tin cậy của một nhóm nghiên cứu người Đức, làm thay đổi nhận định trước đây về loại dầu hương người Ai Cập sử dụng để ướp xác được chiết xuất từ cây bách xù. Dâu hương của cây tuyết tùng có khả năng chống vi khuẩn cực cao mà không làm hại cơ thể con người.

Các nhà khoa học vẫn không ngừng nghiên cứu về những bí ẩn đằng sau tục ướp xác của người Ai Cập. Còn rất nhiều câu chuyện hấp dẫn và thú vị phía sau những xác ướp cổ đại. Bạn có muốn cùng Du lịch Ai Cập đặt chân đến Ai Cập và khám phá những điều huyền bí này?

 

 

Related Post