Thành phố Luxor, Ai Cập – Một bước đi đến di sản

Với những công trình kiến trúc khổng lồ xứng tầm “bảo tàng ngoài trời”, Luxor cho du khách cơ hội được tiếp xúc với hàng loạt đền đài, lăng tẩm cổ đại nằm ngay giữa lòng thành phố.

Cái mà tôi gọi là “một bước chân đến di sản” chính là để nói đến cụm đền có cùng cái tên với thành phố Luxor. Nói một bước chân có thể là hơi quá, nhưng…20 bước chân thì chắc là đúng vì nó chỉ cách khách sạn nơi tôi ở một quãng đường rất ngắn.

 

Hai hàng nhân sư trải dài nằm giữa những con đường bụi bặm của thành phố Luxor. Theo những tài liệu còn để lại, hàng nhân sư này từng trải dài đến 3 km, nối hai cụm đền Luxor và Karnak với nhau.


Nằm ngay giữa hai con đường của thành phố, thật khó tin là bên dưới nơi những chiếc minibus, taxi hay xe ngựa đang thong dong thả bộ trên đường cát bụi là hàng tượng nhân sư nối nhau dẫn vào cụm đền Luxor. Việc đền Luxor nằm giữa khu dân cư có một phần lí do vì ngày xưa, đã từng có thời ngôi đền này nằm dưới cát một thời gian dài, đến nỗi người ta xây dựng trên nó cả một ngôi làng. Năm 1.885, để tiến hành khai quật đền, người ta đã phải tiến hành đào sâu bên dưới ngôi làng. Ngày nay, bên cạnh cổng vào đền Luxor vẫn còn tồn tại một thánh đường Hồi giáo nhỏ được xây dựng ngay phía trên ngôi đền.

 

Nguyên thủy, cổng vào cụm đền Luxor có đến sáu bức tượng khổng lồ của Pharaoh Ramses II. Bốn bức tượng được tạo hình ngồi và hai trong tư thế đứng. Ngày nay chỉ còn lại hai tượng ngồi.


Dù không mang cái vẻ huyền bí như những ngôi mộ Pharaoh và hoàng hậu nằm sâu dưới cát bên bờ Tây thành phố, đền Luxor vẫn làm người ra rợn ngợp trước sự hùng vĩ của những bức tượng Pharaoh cũng như những cây cột cao vời vợi tưởng như vươn mãi đến tận trời xanh. Cảm giác thích thú nhất là khi bạn đi từ điện thờ này đến điện thờ khác nằm sâu trong cụm đền, ngắm nhìn những hình khắc trên thân cột hay những bức tượng không đầu lặng im trước nắng gió thời gian.

 

Tượng thần Serapis bị mất đầu đứng trong giữa một nhà nguyện nhỏ.

 

Nhưng Luxor không chỉ có thế, có những điều ngạc nhiên nho nhỏ mà phải chú ý, bạn mới tìm thấy tại cụm đền này. Đó là nét thanh tao của bộ trang phục La Mã mà bức tượng thần Ai Cập – Hy Lạp Serapis mặc trong một nhà nguyện nhỏ, hay nét kiều diễm của những chiếc cột được xây theo hình dáng cây Papyrus, hoặc chỉ đơn giản là những chú chim nhỏ đang đập cánh bên trên một hàng cột dài….

Rời cụm đền Luxor trong một ngày nắng đẹp, vẫn còn một nơi nữa ở bờ Đông thành phố mà tôi phải đến, đó là Karnak- ngôi đền của các ngôi đền. Sở dĩ Karnak có cái tên như vậy vì Quần thể di tích này rộng lớn đến nỗi người ta ước tính: chỉ với phần diện tích mở cửa tham quan thôi, phải mất ba tiếng mới đi hết. Sự lớn rộng của Karnak còn thể hiện qua việc 30 Pharaoh đã tham gia xây dựng nên nó.

 

Lối vào quần thể đền Karnak được canh giữa bởi hai hàng nhân sư đầu cừu.

 

Karnak được xếp thứ hai trong danh sách những nơi phải đến tại Ai Cập, chỉ sau kim tự tháp Giza. Không phải vô cớ mà người ta đánh giá cao sức hấp dẫn của nó đến như thế. Được xây dựng từ những năm 2.000 trước Công nguyên, những gì còn lại của Karnak vẫn là hàng loạt những cổng vào kiên cố, hàng cột vững chãi, tuy nhiên không phải mọi thứ đều có thể giữ lại được cho đến ngày nay.

 

Quảng trường “Hypostyle” là điểm nhấn của cụm đền Karnak với những hàng cột cao đến tận trời gây ấn tượng mạnh với khách tham quan.

 

Dầu vậy, Quảng trường “Hypostyle” với những hàng cột cao đến tận trời cũng đã đủ gây ấn tượng mạnh với khách tham quan. Chiếm tới 5.500 m2, quảng trường bao gồm 134 cây cột. Đường kính mỗi cây cột có thể lên tới trên 3 mét. Trong số hàng trăm cây cột này, có đến 12 cây cột cao 21m, và 122 cây còn lại cao 10m.

 

Đỉnh bị gãy của một trong hai cây cột obelisk cao nhất Ai Cập. Cây còn lại nằm bên phải tấm hình.

 

Không chỉ vậy, đi thêm vài bước nữa, người ta cũng phải kinh ngạc trước Obelisk of Hatshepsut, một trong hai chiếc cột obelisk được xếp vào hàng cao nhất tại Ai Cập.

Khi dạo bước thong dong trong ngôi đền này, tôi đã cố gắng dùng trí tưởng tượng để hình dung khi quần thể Karnak còn nguyên vẹn, mọi thứ sẽ huy hoàng và kỳ vĩ đến như thế nào…

Related Post

Alexandria

Alexandria là thành phố với hải cảng và khu nghỉ mát mùa hè lớn nhất phía bắc Ai Cập. Nằm…